Dòng game phiêu lưu kinh dị vốn đang ngày càng khan hiếm trên thị trường vừa đón chào một thành viên mới, Outlast. Sau những bức ảnh, video gameplay ngắn được giới thiệu, vẫn nhiều game thủ tự đặt câu hỏi: "Liệu nó có thực sự tuyệt vời?".
Game thủ vào vai nhà báo Miles Upshur – người quyết
tâm lật tẩy sự thật đằng sau một trung tâm từ thiện có tên Mount Massive
được thành lập bởi tập đoàn Murkoff – đương đầu với những hiểm nguy
rình rập trong bóng tối. Nếu đã từng chơi qua Amnesia: The Dark Descent,
game thủ sẽ cảm thấy khá là hồi hộp khi bắt đầu vào game bởi giữa chúng
có một số đặc điểm tương đồng rất thú vị. Bạn hoàn toàn vô dụng trước
kẻ thù. Không có vũ khí đồng nghĩa với việc bạn không có gì để cảm thấy
yên tâm khi đi "khám phá" các khu vực, nó khiến người chơi tăng thêm nỗi
lo âu, góp phần tạo nên bầu không khí kinh dị của game. Bên cạnh đó,
chiếc camera ghi hình trong bóng tối là công cụ duy nhất giúp người chơi
định hướng, điều này vô tình lại khiến mọi thứ trở nên đáng sợ hơn rất
nhiều.
Trailer Outlast - tồn tại trong bóng tối |
Phải nói rằng Outlast đã được Red
Barrels áp dụng rất nhiều "mẹo" khác nhau trong việc khiến người chơi
giật mình. Bạn sẽ hoàn toàn cảm thấy nghẹt thở trong vòng 15 phút đầu
game. Xác chết, các bộ phận cơ thể người nằm ngổn ngang, những căn phòng
lạnh ngắt với đủ hình thức trang trí kì dị khiến bạn tưởng tượng ra tất
cả mọi thứ đang nhảy bổ vào mình. Mặc dù không ai muốn phải dán mắt
liên tục vào màn hình camera mờ mờ ảo ảo nhưng rồi bạn cũng sớm phải làm
quen với nó bởi vì 80% các trường đoạn là thiếu ánh sáng và cầu mong nó
đừng hết pin nhanh khi bật chế độ ban đêm.
Thật không may, bạn là người duy nhất trong game cần
đến camera để tìm đường trong tối nên bạn luôn phải tính toán kĩ số
lượng pin mà mình có. Bạn cũng đừng hi vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn khi
bước vào một căn phòng có đủ ánh sáng, luôn có những thứ sẵn sàng nhảy
xổ ra và chào đón bạn, ánh sáng giúp bạn nhìn rõ mọi thứ thì nó cũng
giúp kẻ thù nhìn rõ bạn hơn. Cách thiết kế màn chơi trong game khá đơn
giản nhưng rõ ràng rất phù hợp, ngoài đường đi chính thì còn xuất hiện
khá nhiều ngóc ngách dài vừa phải để người chơi đi kiếm thêm pin hay dẫn
vào ngõ cụt. Đang bị rượt đuổi mà chạy nhầm vào ngõ cụt thì chắc chắn
là một điều thảm họa.
Những thứ truy đuổi bạn ở đây không thuộc cái gì đó
siêu nhiên hay từ hành tinh khác, chúng chỉ là những tên tâm thần – nạn
nhân của hàng loạt thí nghiệm bất hợp pháp trên con người. Kẻ thù trong Outlast
được thiết kế khá tốt trong việc lùng và diệt. Chắc chắn bạn sẽ ít
nhiều rơi vào trường hợp mò mẫm trong tối vì hết pin camera và bị chặn
đường bởi một trong số chúng. Sự xuất hiện và hành động của kẻ thù cũng
rất đa dạng: từ việc ở cố định một vị trí cho đến di chuyển trong phạm
vi rộng, từ chậm chạp tới những lúc nhanh bất ngờ. Bạn có thể nhanh chân
trốn trong tủ hay lẩn dưới gầm giường bất kì khi nào bạn biết kẻ thù
đang đến nhưng chúng cũng có thể lật mở từng cánh cửa tủ hay cúi xuống
từng gầm giường để lôi bạn ra. Đây tiếp tục là một điểm cộng của game
khi đem lại cho người chơi cảm giác sợ hãi cao. Nó diễn ra chậm rãi
nhưng bạn biết nó sẽ sớm tràn ngập tâm trí bạn, bạn có thể lao ra và
tiếp tục bị truy đuổi hoặc ngồi im trong chỗ trốn, hi vọng nó sẽ bỏ qua
mình. Mặc dù game chỉ cho phép bạn lẩn trốn nhưng cũng nhiều đoạn biết
kẻ thù ở trước mặt bạn vẫn phải tiến lên vì đó là đường duy nhất để đi
tiếp; đối mặt với một vấn đề như vậy quả thực có thể làm chùn chân bất
kì game thủ nào.
Tuy nhiên, điểm yếu không hề nhỏ của game cũng nằm tại
đây. Chính vì game khiến người chơi phải giáp mặt với kẻ thù quá nhiều
và liên tục nên dần dần hình thành trạng thái "nhờn thuốc". Một khi bạn
đã nắm được quy luật di chuyển chung của AI, bạn hoàn toàn có thể chơi
trò mèo vờn chuột. Bên cạnh đó, có lẽ là cảm nhận chung của tất cả mọi
người, ta chỉ cảm thấy sợ hãi trước những thứ ta không thể hiểu. Kẻ thù ở
đây lại chỉ là những con người bình thường với tuýp ống nước trên tay,
khuôn mặt có vẻ hơi dị dạng nhưng bạn cũng dần thấy quen và không còn
quá sợ hãi. Outlast thể hiện rất tốt là một game kinh
dị sống còn tuyệt vời trong 15 phút đầu, còn sau đó bạn sẽ dần cảm thấy
như mình đang chơi một game điều tra, phá án. Không phải tự nhiên mà
cũng có nhiều lúc người chơi sẽ tự ép bản thân là phải sợ hãi để có thể
cảm nhận được bầu không khí trong game. Sự nặng nề trên đôi vai khi bạn
chơi lâu hơn sẽ giảm đi đáng kể. Chưa hết, sau khi hoàn thành xong những
màn chơi cuối một cách ít kinh dị hơn, đoạn kết mà game mang lại thật
sự có thể làm người chơi rất thất vọng vì đáng lí ra nhà phát triển có
thể làm được điều gì đó hay ho hơn là lồng ghép nội dung đơn giản như
vậy.
Có vẻ như 2 là con số yêu thích của Red Barrels bởi
nếu tinh ý ta sẽ thấy nó in đậm trong sắc thái thiết kế sản phẩm: để mở
được cái này bạn cần có 2 cái kia; kẻ thù cũng chỉ lật tủ 2 lần rồi bỏ
cuộc và để bạn an toàn. Sự lặp đi lặp lại tưởng chừng vô hại này lại
khiến người chơi có cảm giác game bị thiếu ý tưởng và gò bó
Outlast không có nhiều các đoạn cắt
cảnh nhưng chúng luôn xuất hiện đúng lúc, logic và nội dung khá bất ngờ.
Phong cách cắt cảnh góc nhìn thứ nhất cũng giúp mạch kể truyện trở nên
trơn tru hơn. Chưa bao giờ người chơi lại có cảm giác nhân vật chính của
mình lại chân thật, yếu đuối đến thế.
Trái ngược với những vết xước khá rõ trong phần AI khiến Outlast
mất điểm đáng kể, phần đồ họa của game thì không có điểm nào để chê bởi
nền đồ họa tân tiến từ engine Unreal 3. Các màn chơi được đầu tư khá
công phu về mặt hình ảnh, tạo được không khí rùng rợn: từng vết máu
loang lổ, từng bộ phận người hay những cái xác lơ lửng,…tất cả đều nói
lên sự chết chóc. Sự xuất hiện của các bệnh nhân còn sống sót nhưng bị
ám ảnh còn thêm phần ma quái vào trong đó.
Phần âm thanh mô phỏng cũng rất tốt từ môi trường đến
tiếng nước róc rách, đặc biệt tiếng thở run rẩy của nhân vật chính hay
tiếng xích kéo lên trên sàn phát ra từ kẻ thù. Nếu bạn nghe thấy tiếng
bình bịch đằng sau lưng tức là lúc bạn nên kiếm một chỗ trú ẩn càng sớm
càng tốt. Dù vậy cũng hơi thất vọng khi nhà phát triển sử dụng hơi nhiều
âm thanh nền khiến nhiều lúc âm thanh hiệu ứng bị át về cả mặt âm lượng
lẫn công dụng, ví dụ như: phát hiện kẻ thù.
Download
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
» Cảm ơn bạn đã đọc bài viết
Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét
» Vui lòng đăng những nhận xét lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu nếu muốn
» Rất cảm ơn những comment thiện ý