Phiên bản Metal Gear Solid gần nhất đã ra mắt được 4 năm về trước. Đó chính là Peace Walker,
tựa game hành động bí mật nền PSP tiếp nối những sự kiện xảy ra trong
phiên bản Snake Eater. Ngay sau khi Peace Walker ra mắt, nhà phát triển
game đại tài Hideo Kojima đã tuyên bố sẽ không phát triển bất cứ phiên bản Metal Gear Solid nào nữa mà thay vào đó sẽ tập trung vào những cái tên khác cũng chẳng kém phần nổi danh do ông tạo ra.
Thế
nhưng, trước sự hâm mộ của cộng đồng fan đã quá đông đảo, dường như
thật quá khó để Kojima có thể “nghỉ ngơi” sau những gì ông tạo ra. Và Metal Gear Solid V The Phantom Pain
cuối cùng cũng đã được giới thiệu. Những hình ảnh đầu tiên tại sự kiện
lễ trao giải game Video Games Awards năm 2012 dưới cái tên nhà phát
triển Moby Dick Studio, The Phantom Pain đã trở thành cái tên ấn tượng
bậc nhất của làng game lúc bấy giờ.
Trong một
cuộc phỏng vấn, Kojima cho biết, chính vì chu trình phát triển quá dài
của The Phantom Pain nên ông quyết định phát hành trước phiên bản Metal Gear Solid V Ground Zeroes như một màn dạo đầu cho cộng đồng game thủ làm quen với cơ chế gameplay và phong cách game hoàn toàn mới mà Kojima thử nghiệm với phiên bản MGS V này.
Có
thể nói, Ground Zeroes là một phiên bản với thời lượng gameplay tính cả
cutscene ngắn tới mức người chơi có cảm giác họ đang thưởng thức một
bản demo. Dĩ nhiên, nếu có một giải thưởng nào đó dành cho những bản
demo game, thì Metal Gear Solid V Ground Zeroes xứng đáng với giải 'bản demo đắt đỏ nhất từng ra mắt' với cái giá 30 USD mà người chơi phải bỏ ra để sở hữu.
Thế
nhưng với những gì thể hiện trong “bản demo” này, game thủ nói chung
cũng như những fan cuồng của series nói riêng hoàn toàn có thể kỳ vọng
vào The Phantom Pain sẽ là phiên bản Metal Gear Solid hay nhất từng được
phát triển.
Nhiệm vụ định mệnh
Những
màn chơi của Ground Zeroes diễn ra vào năm 1975, ngay sau những sự kiện
trong Peace Walker, Militaires Sans Frontieres (MSF), tổ chức quân sự
do Big Boss thành lập cuối cùng cũng sở hữu ZEKE, một mẫu Metal Gear sở
hữu vũ khí hạt nhân dựa vào tàn dư của Peace Walker, “trùm cuối” của
phiên bản trước.
Đứng
trước sự đe dọa của một tổ chức tự do, không thuộc về quốc gia nào lại
có trong tay món vũ khí đe dọa hòa bình toàn thế giới, IAEA, cơ quan
năng lượng nguyên tử quốc tế quyết định thanh tra căn cứ ngoài khơi
Costa Rica của MSF.
Cũng trong tình cảnh đó,
Chico và Paz, hai nhân vật quen thuộc bỗng nhiên biến mất. Tin tức tình
báo cho biết người lính trẻ tuổi và điệp viên hai mang này đã bị Cipher,
tổ chức do Major Zero - cấp trên cũ của Big Boss thành lập với mưu đồ
bá chủ toàn cầu bắt cóc và giam giữ tại Camp Omega, một căn cứ quân sự
của Mỹ tại Cuba.
Big
Boss bỏ qua việc thanh tra của IAEA, để lại mọi việc cho Kaz lo liệu và
quyết định thâm nhập vào căn cứ kể trên để giải cứu Paz và Chico. Thế
nhưng rốt cuộc đây lại là một quyết định sai lầm...
Stealth Action + Sandbox
Với
những phiên bản Metal Gear Solid trước đây, màn chơi được thiết kế với
một điểm khởi đầu và một điểm kết thúc, hoặc một mục tiêu nhất định. Thế
nhưng với Ground Zeroes và The Phantom Pain, mỗi màn chơi là một khu
vực cực kỳ rộng, với vô số nơi để bạn khám phá, cũng như tìm những cách
thâm nhập, hoàn thành nhiệm vụ.
Với
màn chơi duy nhất mang tên Ground Zeroes, cách người chơi đột nhập vào
và đưa hai nhân vật nói trên ra khỏi căn cứ Camp Omega trở nên cực kỳ
linh hoạt. Bạn có thể khử toàn bộ lính bắt gặp trên đường, hoặc chọn một
con đường dài hơn, đòi hỏi tính toán hơn nhưng cũng êm thấm hơn khi
không phải đụng độ với lính gác.
Tuy rằng trải
nghiệm hành động bí mật vẫn vô cùng ấn tượng, nhưng cách điều khiển nhân
vật Big Boss đã được thay đổi phần nào để phục vụ cho trải nghiệm của
người chơi. Lấy ví dụ, cụm phím lựa chọn vũ khí và phụ kiện đã được
chuyển về cụm phím D pad thay vì hai nút cò trái phải ở phiên bản Metal Gear Solid 4. Việc thay đổi như thế này khiến cho người chơi, đặc biệt là những fan gạo cội cảm thấy linh hoạt hơn trong cách điều khiển.
Trong
khi đó, với setup controller tiêu chuẩn, nút cò phải được gán làm ống
nhòm, và cò trái cho phép game thủ “gọi điện về cho người thân”, ở đây
là căn cứ MSF với Kazuhira Miller, cánh tay phải của Big Boss với những
lời khuyên hữu ích giữa chiến trường rộng lớn.
Sau
khi hoàn thành nhiệm vụ, bạn có thể gọi trực thăng hoặc tự đào thoát
khỏi căn cứ địch. Tuy nhiên việc hạ cánh trực thăng sẽ không hề dễ dàng
khi thiết giáp hay phòng không hoàn toàn có thể hạ gục chiếc máy bay một
cách dễ dàng nếu bạn chọn cách đào tẩu ở điểm tập kết quá đông quân
địch. Đây cũng là chi tiết khiến việc xử lý tình huống trong game trở
nên cực kỳ đa dạng.
Big Boss vẫn phong độ như ngày nào
Trải
nghiệm điều khiển nhân vật Naked Snake (Big Boss) có thể mô tả bằng cụm
từ vừa quen vừa lạ, khi bạn có thể đi khom để tránh sự phát hiện của
những tên lính có mặt trong căn cứ, hoặc giữ nút X trên tay cầm
PlayStation để bò trườn, hay thậm chí là chạy nước rút để đào tẩu khỏi
một khu vực nhất định.
Dĩ
nhiên, để tăng mức độ “bá đạo” của Big Boss, những chức năng mới cũng
được đưa vào tựa game. Hai thay đổi lớn nhất và cũng giúp ích rất nhiều
cho game thủ chính là khả năng theo dõi tầm nhìn của đối phương, cũng
như đánh dấu kẻ địch. Với chiếc ống nhòm, người chơi có thể đánh dấu và
theo dõi việc di chuyển của lính gác, những chiếc xe thiết giáp hay
những đoàn tuần tra “đảo như rang lạc” xung quanh căn cứ.
Ngay
cả khi bạn bị phát hiện, một hệ thống gameplay mang tên Reflex hoàn
toàn cho phép bạn hạ gục nhanh chính kẻ phát hiện ra mình trước khi
chúng kịp phát tín hiệu báo động. Nhanh gọn là vậy, thế nhưng việc sử
dụng reflex cũng sẽ ảnh hưởng đến điểm số khi nhiệm vụ kết thúc.
Mỗi
món vũ khí trong game đều có tầm bắn khác nhau, ví như khẩu súng lục
giảm thanh với đạn gây mê sẽ không thể nào uy lực bằng khẩu súng trường
gắn ống ngắm. Tùy vào món vũ khí mà hồng tâm sẽ đổi màu khi ngắm vào đối
thủ nếu chúng ở trong tầm bắn hiệu quả. Tuy nhiên nếu là một tay thiện
xạ, bạn vẫn có thể khiến gã sniper ở cách cả nửa dặm chìm vào giấc ngủ
ngon lành chỉ với khẩu “lục ghẻ”.
CQC, “thương
hiệu” của Big Boss cũng trở lại. Tuy nhiên nếu trong những phần khác,
cận chiến dường như hời hợt thì với Ground Zeroes, những cú đấm hay thao
tác khóa tay đối thủ của Snake trở nên có lực và chân thực hơn rất
nhiều.
Thay
vì cố chạy trốn hoặc chiến đấu sau khi bị phát hiện, người chơi hoàn
toàn có thể load lại checkpoint. Những thay đổi như thế này khiến game
trở nên dễ dàng hơn. Chính vì vậy Kojima quyết định loại bỏ hoàn toàn
những chế độ khó như Very Easy hay Easy mà tập trung vào hai độ khó là
Normal và Hard. Game vẫn sẽ cực kỳ thử thách, đặc biệt là với những fan
gộc của thể loại hành động bí mật.
Fox Engine tỏa sáng
Ngay
từ những ngày đầu được giới thiệu, Fox Engine đã trở thành công cụ được
đánh giá rất cao trong cộng đồng game thế giới. Tuy nhiên việc sử dụng
Engine ấn tượng này trên tựa game PES 2014 dường như chưa khiến cộng đồng thỏa mãn.
Metal Gear Solid V Ground Zeroes
lại là câu chuyện khác. Bản thân người viết đã may mắn có cơ hội thưởng
thức phiên bản game trên cả hai hệ máy PS3 và PS4. Khác biệt lớn nhất
của hai phiên bản last gen và next gen chính là tốc độ khung hình (30 và
60 fps) cũng như độ phân giải (720p upscale và 1080p native).
Trong
khi đó, bỏ qua ánh sáng cũng như hiệu ứng đổ bóng (trên PS3, bóng và
chi tiết vật thể không thể bì với hệ console mới ra mắt được), thì chất
lượng đồ họa trên cả hai phiên bản dường như không quá cách biệt, từ
chiều sâu môi trường đến hiệu ứng thời tiết. Trên PS3, cử động khuôn mặt
và dáng đi của nhân vật, đặc biệt là Snake vẫn vô cùng ấn tượng.
Thông
qua Fox Engine, chúng ta có thể thấy rõ được tuổi tác đã ảnh hưởng tới
chiến binh huyền thoại ra sao, từ bước chạy đến việc leo trèo hay treo
mình trên vách đá trốn khỏi sự truy đuổi của lính gác.
Khúc dạo đầu tuyệt hảo
Tuyệt
hảo, chứ không phải là hoàn hảo. Nếu là một game thủ chăm chỉ theo dõi
tin tức trên các trang tin về game của nước ngoài, các bạn hoàn toàn có
thể thấy điểm số mà những bài viết đánh giá Metal Gear Solid V Ground Zeroes
các biên tập viên đưa ra rất khác nhau. IGN chấm 8 điểm, Eurogamer chấm
9, Famitsu dành tặng cho Ground Zeroes con số 38/40, gần như hoàn hảo.
Thế
nhưng Polygon hay EGM thì chỉ đánh giá tựa game này xứng đáng vỏn vẹn 5
điểm. Kỳ thực điều này không quá khó để giải thích. Trong mắt những
game thủ bình thường, những người cảm thấy ấn tượng bởi sức hút của MGS,
thì Ground Zeroes chẳng khác nào một phiên bản game cẩu thả với vỏn vẹn
6 màn chơi trên một bản đồ duy nhất, vừa thiếu đi chiều sâu lại chẳng
đem lại cảm giác của một kiệt tác từ bàn tay tài hoa của Hideo Kojima.
Thế
nhưng về phần những fan của dòng game, họ không coi đây là một tựa game
lẻ loi không mấy ấn tượng. Thay vào đó, đây dường như là một bản demo
cho họ thấy những thay đổi mà Metal Gear Solid V The Phantom Pain sẽ mang đến.
Download
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
» Cảm ơn bạn đã đọc bài viết
Nếu có thắc mắc hay góp ý, bạn hãy để lại một nhận xét
» Vui lòng đăng những nhận xét lịch sự và gõ tiếng Việt có dấu nếu muốn
» Rất cảm ơn những comment thiện ý